Quy trình thâm canh cây ngô

Gần đây bà con cũng như người tiêu dùng đang làm quen dần với một loại ngô ngọt (bắp ngọt, ngô Mỹ), chất lượng ăn ngon hơn bắp nếp thông thường vì có vị ngọt hơn. Đến nay bắp ngọt đã được trồng tương đối phổ biến tại Vĩnh Phúc
Gần đây bà con cũng như người tiêu dùng đang làm quen dần với một loại ngô ngọt (bắp ngọt, ngô Mỹ), chất lượng ăn ngon hơn bắp nếp thông thường vì có vị ngọt hơn. Đến nay bắp ngọt đã được trồng tương đối phổ biến tại Vĩnh Phúc, diện tích ngày càng mở rộng do nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Thông thường giá bán bắp ngọt cao hơn bắp nếp khoảng hai lần và dễ bán do ngoài khả năng bán để luộc ăn tươi, ngô ngọt còn được dùng trong công nghiệp chế biến đóng hộp.

 

Ảnh minh họa - nguồn: Internet
 
 
Kỹ thuật canh tác ngô ngọt cần lưu ý những điểm sau:
1. Chuẩn bị đất trồng:
- Đất trồng phải thoát nước tốt, không nhiễm phèn, độ pH từ 5,5 - 7, nếu dưới 5,5 nên bón vôi xử lý đất trước gieo ít nhất 10 ngày nhằm cải thiện độ pH.
- Đất gieo phải tơi xốp và sạch cỏ. Vụ Đông Xuân nên trồng trên chân đất lúa để giảm lượng bốc thoát hơi nước.
2. Mật độ và khoảng cách gieo, khoảng cách cách ly:
- Hạt được gieo theo khoảng cách hàng cách hàng 75cm, khoảng cách hốc trên hàng là 25cm, tương đương với mật độ 5000cây/1000m2. Vì là hạt giống lai F1, giá hạt giống đắt nên gieo 1hạt/lỗ, lượng hạt cần 500gr/1000m2. Để đảm bảo mật độ cây trên diện tích nên gieo dặm thêm ở ngoài để tránh mất khoảng.
- Tránh trồng ngô ngọt gần những ruộng ngô giống khác vì nếu nhận nguồn phấn khác thì chất lượng ăn cũng như độ ngọt của bắp sẽ giảm. Khoảng cách không gian an toàn nhất là 300m, nếu không cách ly bằng không gian ta có thể trồng sao cho thời gian trổ cờ của ngô ngọt và ruộng ngô thường khác lệch nhau ít nhất 15 ngày.
- Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo vào bầu:
Gieo vào bầu: thường được áp dụng trong mùa mưa, hạn chế tối đa sự mất khoảng trên diện tích. Đất gieo bầu được trộn theo tỉ lệ: 2 đất - 2 tro trấu - 1 phân chuồng hoai mục, 100gr Basudin hạt. Hạt ngâm vào nước lạnh 4-6 giờ, vớt ra để ráo, dùng một mảnh vải sạch gói hạt và ủ từ 16-18 giờ hạt sẽ nảy mầm.
Không nên để mầm quá dài dễ gãy và cây con sẽ yếu, khi hạt nảy mầm bỏ hạt vào bầu, 1hạt/bầu. Sau gieo 6-8 ngày cho cây ra ruộng.
Gieo thẳng: vụ khô có thể gieo thẳng. Cuốc lỗ và gieo đúng theo khoảng cách trồng, bỏ hạt và lấp hạt bằng hỗn hợp (2 tro trấu + 1 phân chuồng hoai mục + 100gr thuốc hạt Furadan). Đảm bảo tưới nước giữ ẩm đất.
3. Phương pháp bón phân:
+ Lượng phân sử dụng cho 1000m2:
Vôi bón vãi với lượng 50kg trước trồng ít nhất 10 ngày. Phân chuồng hoai mục 3 xe bò được bón lót trước trồng.
+ Bón thúc làm 4 đợt:
- Đợt 1: sau gieo 8 - 10 ngày với lượng phân 6kg NPK.
- Đợt 2: vào lúc 18 - 20 ngày sau gieo 24kg NPK.
- Đợt 3: vào 30 - 32 ngày sau gieo 30kg NPK.
- Đợt 4: 42 - 44 ngày sau gieo 18kg NPK.
Tùy điều kiện độ màu mỡ của đất mà điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Bắp là loại cây trồng rất mẫn cảm với hiện tượng thiếu Magiê, lá thường có các sọc màu vàng chạy dọc theo gân chính. Hiện tượng này thường phổ biến trên một số chân đất cát, có thể phun bổ sung bằng các loại phân bón lá có chứa Magiê hoặc phun hợp chất Sulfat magiê với liều lượng 40gr/8 lít.
4. Tỉa nhánh:
Khi thừa dinh dưỡng cây hay có hiện tượng đẻ nhánh (do bón nhiều đạm vào giai đoạn sau), nên tỉa bỏ và chỉ chừa 1 cây chính.
5. Sâu bệnh hại:
Một số sâu bệnh hại chính thường gặp trên ngô ngọt là:
- Sùng đất, sâu đất: ăn mầm hạt hay cắn ngang thân cây con, cắn phá rễ, có thể phòng bằng rải thuốc hột Furadan, Basudan với liều lượng 20kg/ha.
- Sâu ăn tạp: cắn phá thân, lá và bắp. Có thể phòng trị bằng các loại thuốc như Match, Selecron, Polytrin.
- Sâu đục thân: đục vào thân cây làm cây dễ bị gãy khi có gió to nhất là trong mùa mưa và cây phát triển kém. Nên bỏ Furadan hạt vào loa kèn giai đoạn 15, 30 ngày sau gieo. Sau khi cây phun râu nên phun phòng trị với các loại thuốc có tính lưu dẫn như Polytrin, Match, BT…
- Bệnh đốm vằn: xuất hiện bắt đầu từ dưới gốc, lan dần lên trên thân và hại cả bắp. Vết bệnh thâm nâu, loang. Bệnh thường phát triển mạnh trong mùa mưa và ruộng nhiều cỏ, ẩm ướt. Ta có thể phòng trừ bằng Anvil, Tilt, Bonanza.
- Bệnh rỉ sắt: rất dễ nhận diện nhờ những ổ bào tử nấm nhỏ, tơi, màu vàng nâu nằm cả hai mặt lá trên và dưới. Có thể phun phòng trừ bằng Tilt, Bonanza, Kasuran.
- Bệnh cháy lá: vết bệnh lúc đầu nhỏ có dạng hình thoi, về sau lan rộng và kết lại thành vết cháy lớn. Thường xuất hiện khi điều kiện nóng ẩm.
- Bệnh khảm lùn virus: cây bị bệnh các đốt thân ngắn lại, cây bị lùn hẳn, phiến lá dày hơn bình thường, trên lá có các sọc vàng chạy dọc theo gân, cây có bắp nhưng nhỏ hoặc ít hạt. Ngô ngọt thường mẫn cảm với bệnh này hơn so với các loại ngô khác, đặc biệt trên những vùng ngô ngọt được trồng liên tục. Bệnh được truyền bởi một số loại rầy, do đó biện pháp tốt nhất là phun phòng các loại chích hút theo định kỳ trong giai đoạn 4 tuần đầu kể từ ngày trồng vì đây là thời kỳ mẫn cảm nhất của cây với bệnh này. Đối với loại chích hút ta nên sử dụng một số loại sau: Actara, Pegasus, Trigard.
BBT - Sở KH&CN Vĩnh Phúc

Bài viết cùng chuyên mục

Công ty Cổ phẩn sản xuất và thương mại Tân Nông